Hội thảo khoa học “Cơ chế chính sách phát triển giáo dục – đào tạo vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên”

Hội thảo do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh (Liên hiệp Hội) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào ngày 26/9/2017 tại thành phố Thái Nguyên.

Đ/c Nguyễn Huy Thái – đại diện Vụ Giáo dục – Dân tộc, Bộ GD&ĐT

phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc – Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy; các nhà khoa học, các cán bộ quản lý thuộc lĩnh vực GD&ĐT; đại diện một số Sở, Ban, Ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của Tỉnh; Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên; Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các huyện/thành phố/thị xã và đại diện phòng GD&ĐT, phòng Dân tộc các huyện/thành phố/thị xã trên địa bàn Tỉnh; Ban thường vụ, Ban chấp hành và các Hội thành viên của Liên hiệp các Hội KH&KT Tỉnh…

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 677 trường, trong đó có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với 1.550 học sinh, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) được học tại các trường PTDTNT đạt 5,65%; có 9 trường phổ thông dân tộc bán trú với trên 1.581 học sinh ở huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Về quy mô, toàn tỉnh có 85.461/275.736 học sinh DTTS chiếm tỷ lệ 30,99%. Tỷ lệ người DTTS đi học giảm dần ở các bậc học cao. Để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng đồng bào DTTS, trong những năm qua, Thái Nguyên đã tạo mọi điều kiện thực hiện nhiều chính sách quan tâm phát triển giáo dục như nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 960 tỷ đồng…Tuy nhiên, GD&ĐT ở các vùng này vẫn còn không ít hạn chế bất cập: mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; học sinh DTTS chưa được tiếp cận với phương pháp dạy học mới (tiếng anh, tin học…); đội ngũ giáo viên trẻ kinh nghiệm non, chưa am hiểu về văn hóa vùng; chính sách đãi ngộ với giáo viên thiếu kịp thời…

Tiến sỹ Nguyễn Văn Vượng – nguyên Bí thư tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá và đề xuất kiến nghị  các giải pháp tối ưu khắc phục và phát triển giáo dục đào tạo như: có chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng DTTS về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học; tăng tỷ lệ huy động học sinh DTTS được học tại các trường PTDTNT thuộc tỉnh lên 8% giai đoạn 2016-2020; bổ sung thêm chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ cấp mầm non 0-2 tuổi; có chính sách ăn trưa cho học sinh tiểu học thuộc xã đặc biệt khó khăn, xóm vùng III; bảo tồn phát huy ngôn ngữ vùng DTTS….

Những ý kiến của các nhà khoa học, các đại biểu tại hội thảo sẽ được Liên hiệp Hội tổng hợp thành bản khuyến nghị với UBND tỉnh và các đơn vị có thẩm quyền trong việc xây dựng cơ chế chính sách GD&ĐT cho vùng DTTS hiện nay đối với tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới thực sự có hiệu quả ./.