TỰ CHỦ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC – NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Đây là chủ đề của Diễn đàn khoa học do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (LHH) Việt Nam tổ chức vào ngày 21/9/2018 vừa qua tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về giáo dục, các nhà quản lý giáo dục, địa diện lãnh đạo của một số LHH địa phương và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch LHHVN và ông Trần Kiều Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục chủ tọa diễn đàn

Theo các đại biểu tham dự diễn đàn: chúng ta vẫn chưa có một lộ trình cụ thể, phù hợp với các điều kiện cần có để một nhà trường được giao quyền tự chủ. Lộ trình thực hiện theo NĐ16 hiện nay chỉ quan tâm đến một điều kiện, đó là việc tự bảo đảm các khoản chi, từ chi thường xuyên, đến chi quản lý và chi đầu tư. Sự thiếu quan tâm đến các điều kiện về kiểm định chất lượng và cơ chế quản trị mới (thông qua hội đồng trường) là một cách tiếp cận thể hiện sự thiếu nhất quán về mặt thể chế với Luật Giáo dục Đại học và sự xa rời về mặt thực tế với lộ trình cần có trong thực hiện tự chủ đại học. Việc chuyển mô hình quản trị đại học từ tuân thủ sang tự chủ nhất thiết phải có lộ trình. Đây là lộ trình cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học có sự chuẩn bị hướng tới việc đảm bảo một số điều kiện đặt ra. Đó là vì tự chủ đại học là có điều kiện. Nghĩa là, theo phân tích của Hiệp hội quốc tế các đại học, thì “Trường đại học có được tự chủ hay không và mức độ tự chủ đến đâu, phụ thuộc vào việc nhà trường đáp ứng một số tiêu chí đã được định trước về chi phí, về đầu ra hoặc về kết quả hoạt động được đo lường theo một cách nào đó”…

Theo đại biểu Lê Viết Khuyến, việc thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập vì quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho một tập thể lãnh đạo trường, không thể trao chỉ cho cá nhân Hiệu trưởng. Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Do đó chỉ các trường đại học công tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.

Theo ông Vũ Minh Giang – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tự chủ đại học đầu tiên là tự chủ học thuật. Như vậy là trường ĐH sẽ tự trả lương cho cán bộ, giảng viên, tự bổ nhiệm hiệu trưởng. Thiếu tự chủ khiến xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học đều cho rằng, chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường ở tất cả các trường đại học. Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm giải trình của mình.

Vỵ Nguyễn (Tổng hợp)