NHÌN LẠI KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG VIFOTEC 2017 VÀ HỘI THI LẦN THỨ 14

Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) được tổ chức hàng năm. Trong những năm qua các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và ông Phan Xuân Dũng Chủ nhiệm UBKHCNMT của QH trao giải nhất cho các tác giả đoạt giải nhất Hội thi 14

Giải thưởng Vifotec 2017

Năm 2017, với tổng số có 118 công trình tham dự giải. Ban Tổ chức Giải thưởng đã trao giải thưởng cho 41 công trình bao gồm 4 giải nhất, 8 giải nhì, 15 giải ba, 4 giải khuyến khích. Thủ tướng Chính phủ cũng tặng Bằng khen cho 5 cá nhân là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của 4 công trình đoạt giải nhất. Ban Tổ chức Giải thưởng khen thưởng 12 đơn vị và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến Giải thưởng. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo cho 55 chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của các công trình đoạt giải nhất, nhì, ba. Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 8 tác giả của các công trình đoạt giải nhì và ba đang tuổi thanh niên.

Đặc biệt, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao  Giải WIPO cho Công trình xuất sắc nhất thuộc lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa “Nghiên cứu phát triển mới các dây chuyền tự động, thực hiện công nghệ tiên tiến sản xuất sữa gạo, đóng gói màng co tự động inline phục vụ công nghiệp chế biến nông sản”  của nhóm tác giả Trần Văn Trà, Tập đoàn Hương sen Thái Bình.

Giải thưởng Hội thi lần thứ 14

Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc tổ chức 2 năm/1 lần, Hội thi lần thứ 14 có gần 600 giải pháp tham dự thi, được lựa chọn từ hàng ngàn giải pháp của các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành trong cả nước.

Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc lần thứ 14 đã trao giải thưởng cho 90 giải pháp bao gồm 6 giải nhất, 12 giải nhì, 24 giải ba, 48 giải khuyến khích, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng Bằng khen cho 9 cá nhân là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của 6 giải pháp đoạt giải nhất. Ban Tổ chức cũng khen thưởng cho 17 đơn vị và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Hội thi. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo cho  65 cá nhân là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm có các giải pháp đoạt giải nhất, nhì, ba. Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng  Bằng khen cho 25 tác giả của các đề tài đoạt giải nhì và ba đang tuổi thanh niên. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng giải WIPO cho 2 Giải pháp xuất sắc nhất.

Phải nói rằng, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016 – 2017) đã có những bước tiến quan trọng, đã có 56 Bộ, ngành, tỉnh, thành phố gửi hồ sơ tham dự Hội thi (bao gồm 53 tỉnh, thành phố, 2 Tập đoàn kinh tế và  Bộ Quốc Phòng)

Trong 53 tỉnh, thành phố có 51 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, 2 Sở Khoa học và Công nghệ. So với Hội thi lần thứ 13 thì có 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 45 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và 7 Sở Khoa học và Công nghệ.

Ban Tổ chức Hội thi các địa phương và các bộ đã xét hàng nghìn giải pháp tham gia Hội thi cấp cơ sở, cấp tỉnh, thành phố và chọn ra được 536 giải pháp gửi cho Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc. Trong 6 giải nhất thuộc về tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bình Định, Quảng Ngãi,  Bà Rịa – Vũng Tàu.

Những thuận lợi, khó khăn    

 Lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương đã ngày càng quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, đến hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ cũng như các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo mọi điều kiện cho các hoạt động này ngày càng phát triển rộng rãi.

Công tác tổ chức Giải thưởng, Hội thi ngày càng có uy tín, được đông đảo các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tham gia và được xã hội đánh giá cao. Đây thực sự là sân chơi công bằng, minh bạch, động viên và tôn vinh kịp thời  đối với các nhà khoa học, công nghệ và các nhà sáng tạo trong cả nước.

Số lượng các công trình tham gia dự thi ngày càng nhiều, nhất là đối với Hội thi. Hàng năm có đến hàng nghìn giải pháp tham gia dự thi ở các địa phương. Từ  đó chọn ra các giải pháp tham dự Hội thi toàn quốc. Đối tượng dự thi cũng ngày càng phong phú hơn,  từ các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật đến các thành phần nông dân, công nhân  cũng có giải pháp dự thi và đạt được giải cao

Chất lượng các công trình tham gia dự thi ngày càng cao. Các công trình, giải pháp dự thi đã được và tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho đất nước.

Số lượng các địa phương có Ban Tổ chức và tiến hành tổ chức Hội thi cũng tăng lên, từ 33 tỉnh, thành phố, nay đã lên đến gần 53 tỉnh, thành phố. Có những tỉnh đã có ban Tổ chức Hội thi cấp huyện. Công tác tổ chức Hội thi ở các địa phương đã đi vào nề nếp. Cơ quan thường trực Hội thi cũng hoạt động đều và ngày càng có kinh nghiệm hơn.

Công tác tổ chức trao giải ở trung ương cũng như ở địa phương long trọng, chu đáo nên động viên và tôn vinh được các nhà khoa học, các nhà sáng tạo hăng hái tham gia.

Sự cố gắng, nổ lực, sáng tạo của các cơ quan thường trực ở trung ương và địa phương, sự đóng góp nhiệt tình  của Hội đồng Giám khảo và sự tham gia tích cực của các nhà sáng tạo, các nhà khoa học trong cả nước.

Tuy nhiên,việc triển khai rộng rãi, nhân rộng kết quả các công trình đoạt giải còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu thị trường tiêu thụ, tâm lý thích nhập ngoại. Thiếu cơ chế hữu hiệu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng tạo. Thiếu hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống.

 Kinh phí vận động tài trợ ngày càng hạn chế do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh  và do nhiều loại quỹ xin tài trợ. Đối với các tỉnh, thành phố, việc vận động tài trợ cho Hội thi càng  khó khăn hơn, một số địa phương được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước quá ít hoặc chưa đủ kinh phí thực hiện, thiếu kinh phí để đi triển khai cụ thể tại các địa bàn, thiếu kinh phí để mời chuyên gia thẩm định và đánh giá các giải pháp dự thi.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các tác giả tham gia ở các cấp còn hạn chế, chưa sâu rộng và các biện pháp tuyên truyền chưa phong phú. Tuyên truyền trên Đài truyền hình Việt Nam sẽ có hiệu quả cao nhưng lại không đủ kinh phí. Công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chưa nhiều và chưa rộng ở các địa phương. Công tác tổ chức của một số địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. Các thành viên trong Ban Tổ chức thường là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian tham gia và chưa tích cực triển khai ở ngành mình.

Bài học rút ra           

Từ những thuận lợi và tồn tại nêu trên, phải đề xuất các biện pháp tuyên truyền,  vận động, hướng dẫn nghiệp vụ tham gia Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi đến tận cơ sở một cách kịp thời.

Phát huy được kinh nghiệm thực tế trong việc tổ chức triển khai  ứng dụng rộng rãi các công trình, giải pháp đoạt giải vào sản xuất và đời sống. Những khó khăn, thuận lợi và những biện pháp khắc phục.

Nhà nước phải tạo chính sách, cơ chế phù hợp như việc cho vay vốn để mở rộng  sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải. Có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại, giá thành lại rẻ hơn, thời gian nhanh hơn và chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại.

Có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ.  Cho vay vốn từ  Quỹ phát triển KHCN để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, đặc biệt nhiều công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, nhằm ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống và nhằm đưa công tác tổ chức Giải thưởng, Hội thi ngày càng tốt hơn…

Theo nguồn: vusta.vn