Xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân

Xây dựng nông thôn đổi mới trở thành phong trào sâu rộng; từ năm 2010 đến nay, Chương trình đã đáp ứng nguyện vọng người dân nông thôn, ngày càng thu hút được sự tham gia đầu tư của cộng đồng xã hội, nhờ đó huy động được nguồn lực lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. 

Giai đoạn 2011 – 2019, toàn xã hội đã huy động được khoảng 2.418.471tỷ đồng(tương đương khoảng 110 tỷ USD) để thực hiện Chương trình, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 27,7%, vốn tín dụng chiếm 57,63%, vốn doanh nghiệp chiếm 4,9%, người dân và cộng đồng đóng góp chiếm 9,77%.

Từ năm 2013, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã đổi mới công tác chỉ đạo, chuyển từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang trọng tâm là ưu tiên phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới bền vững và bổ sung nhiệm vụ phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện Chương trình.

Đến hết tháng 10/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%)đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu đề ra; có 109/664đơn vị cấp huyệncủa 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (16,42%)hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới(so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; đến hết năm 2013 có 75 xã đạt chuẩn, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới);có 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu (mô hình xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu); xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2017 có 99,4% xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 84,1% xã có đường trục được nhựa/bê tông hóa từ 50% trở lên, mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã, 97,8% số thôn, 99,2% hộ nông thôn; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hoá. Hệ thống thuỷ lợi phát triển, tăng thêm năng lực tưới 240 nghìn ha, năng lực tiêu 207 nghìn ha. Đến hết năm 2018, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92%.Nổi bật nhất là giao thông nông thôn, giai đoạn 2010 – 2019 cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông.

Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở khu vực miền Trung, các vùng: Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư xây dựng hoàn thành, tăng năng lực cho các công trình thủy lợi. Sửa chữa nâng cấp 633 hồ chứa các loại, xây dựng 6.648 hồ chứa các loại, 10.000 trạm bơm vừa và lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 235.000 km kênh mương các loại.
Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịchhiệu quả hơn. Kinh tế trang trại phát triển khá, đến hết năm 2018 có 35.500 trang trại. Các hợp tác xã được tổ chức lại (HTX kiểu mới) và thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đến hết tháng 10/2019 có 14.811 HTX nông nghiệp (gấp hơn 2,04 lần năm 2008), trong đó có trên 55% hoạt động hiệu quả.

Đến nay, cả nước có 11.881 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp (tăng 4,94 lần so với năm 2007); nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất công nghệ cao, phát triển thị trường.

Từ thực tiễn và hiệu quả của mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giá trị theo “cánh đồng lớn”, nhiều địa phương đã xác định những sản phẩm chủ lực, dần hình thành những vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với1.420 chuỗi, 1.538 sản phẩm và 3.287 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm.

Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,87 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 35,5 triệu đồng năm 2018. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần còn 1,8 lần. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn theo chuẩn nghèo đa chiều tiếp tục giảm nhanh, năm 2018 còn khoảng 6,5%.Phúc lợi xã hội và đời sống người nông dân được cải thiện; đã về đích trước 10 năm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.

Đào tạo nghề cho nông dân: Trong 10 năm (từ 2010 – 2019), đã có trên 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề; trong đó đào tạo được 1.084 nghìn/1.400 nghìn lao động nông thôn học nghề nông nghiệp theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.

Sau học nghề đã có trên 90% lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng nâng cao thu nhập. Kết quả đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm từ 51,8% năm 2008 xuống còn 36,4% năm 2019.

 

Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/