Thái Nguyên: Nhiều mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vũng giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành trước kế hoạch

      Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong 3 năm qua, tỷ lệ giảm hộ nghèo tại tỉnh Thái Nguyên là 3,78%, bình quân mỗi năm năm giảm 1,26% vượt so với chỉ tiêu đề ra hàng năm. Đáng lưu ý, một số mục tiêu của chương trình đến thời điểm hiện nay đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (hoàn thành vào năm 2025) như: xây dựng 113  mô hình, dự án giảm nghèo, đạt 205% chỉ tiêu kế hoạch; mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo có một thành viên trong độ tuổi có việc làm bền vững đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch; hỗ trợ hơn 2.500 hộ nghèo về nhà ở đạt 128% kế hoạch đề ra; số hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 104% chỉ tiêu kế hoạch…

      Theo báo cáo của Sở Lao động, thương bình và xã hội tỉnh Thái Nguyên, 3 năm qua, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ đạt trên 200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 186 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương trên 15 tỷ đồng. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngoài nguồn vốn do trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương bố trí đối ứng để thực hiện các chính sách hỗ trợ, tỉnh đã huy động từ các nguồn xã hội hóa khác để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí hơn 218 tỷ đồng. Ngoài thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên bằng hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo… tỉnh Thái Nguyên còn thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo. Riêng năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ tín dụng ưu đãi ước đạt khoảng 427 tỷ đồng cho 6.350 hộ trong đó cho vay 2.385 hộ nghèo, cho vay gần 2000 hộ cận nghèo và cho vay  hơn 1.900 hộ mới thoát nghèo…. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên vẫn còn một số khó khăn như:  Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ việc làm bền vững vốn đầu tư phát triển tiến độ giải ngân đạt thấp do văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng, kịp thời dẫn đến các cơ quan thực hiện dự án còn lúng túng trong triển khai, thực hiện. Năng lực xây dựng dự án, kế hoạch phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp còn hạn chế, hầu hết chưa có kinh nghiệm trong xây dựng dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất. Một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sau khi triển khai thực hiện đã phát sinh bất cập như cấp giống trâu, giống bò chưa đạt yêu cầu về trọng lượng, xuất xứ nguồn gốc con giống…

Mô hình trồng rừng đem lại thu nhập cao tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ

     Trước thực tế này, trong thời gian tới, Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định và hoàn thành tiến độ đã đề ra. Tỉnh tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn thực hiện chương trình, trong đó ưu tiên tập trung hướng dẫn đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo về phương pháp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình tại các địa phương, nhất là việc giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần ngay từ khi xây dựng dự án và việc bàn giao vật tư, con giống cho các hộ dân…/.

          Hoàng Thảo Nguyên