Đó là PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Thầy là 1 trong 56 cá nhân gồm các nhà khoa học, người có phát minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, đã có nhiều công hiển, đóng góp to lớn cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V, năm 2024. Chương trình do Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Trong gần 40 năm qua, PGS.TS Trần Thanh Vân đã cùng đồng nghiệp, cộng tác viên thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học, kết quả thu được từ nghiên cứu đã được tổng kết và xuất bản dưới dạng báo khoa học đăng trên các tạp chí Khoa học Công nghệ, xuất bản sách giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách hướng dẫn kỹ thuật để sử dụng rộng rãi trong cả nước, là tài liệu được sử dụng trong hệ thống khuyến nông, thú y, chăn nuôi của Việt Nam, được áp dụng vào sản xuất của các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, của nông dân, như: Kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học vùng, Đại học Thái Nguyên “Xác định mức lysine/năng lượng trao đổi, các axit amin (lysine, methionine, methionine + cystine) thích hợp với các khẩu phần có hàm lượng protein thô khác nhau và mức (methionine+cystine)/lysine thích hợp của khẩu phần thức ăn cho gà Ri lai (♂ Ri x ♀ Lương Phượng) (năm 2015 – 2017) đã chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Công ty cổ phần dinh dưỡng Hải Thịnh, Khu 8, Phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh áp dụng vào sản xuất hàng ngàn tấn thức ăn gà thịt lông màu có chất lượng và hiệu quả kinh tế cho cả công ty sản xuất thức ăn và người dân nuôi gà của Vùng (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Phú Thọ); tham gia là đồng tác giả trong nhóm 3 người biên soạn bộ sách Hỏi đáp về thực hành tốt và chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học gồm 4 cuốn, xuất bản năm 2020, với sự tài trợ kinh phí từ FAO, bộ sách đã được sử dụng và áp dụng rộng rãi trong phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học trong hệ thống khuyến nông toàn quốc….
PGS.TS Trần Thanh Vân cũng đã góp phần đào tạo hướng dẫn 06 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành chăn nuôi, 29 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ khoa học. Bên cạnh nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên, giảng viên, viên chức công tác tại Đại học Thái Nguyên trên các mặt công tác về quản lý, quản trị Đại học; giảng dạy và nghiên cứu khoa học; công tác Đảng, công đoàn, Thầy cũng tham gia tích cực có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho hoạt động, phát triển các tổ chức xã hội quần chúng: tham gia là Phó chủ tịch trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Philippines; Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào tỉnh Thái Nguyên; Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên; Ủy viên ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên.
Ảnh 1. PGS.TS Trần Thanh Vân (người đứng giữa hàng thứ nhất) tập huấn tại hiện trường cho người chăn nuôi của tỉnh Hậu Giang (Dự án về chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học của FAO và Bộ Nông nghiệp &PTNT – tháng 10/2019)
Ảnh 2. PGS.TS Trần Thanh Vân tập huấn về an toàn sinh học và sử dụng kháng sinh thận trọng cho người chăn nuôi gà thịt tại tại Xã Tân Kim, Huyện Phú Bình, Thái Nguyên (Dự án của FAO với Bộ Nông nghiệp và PTNT, tháng 8/2024)
Có thể nói, với vai trò là nhà khoa học, làm các công việc khoa học trực tiếp, PGS.TS Trần Thanh Vân đã tham gia liên kết, đồng hành cùng nông dân tái cơ cấu sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa và có đóng góp quan trọng trong việc góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Ngân