Hội thảo Uỷ Ban Kiểm tra (UBKT) Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức vào sáng 23/10 vừa qua tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam là các Liên hiệp hội địa phương, các hội ngành toàn quốc và các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc. Phó chủ tịch kiêm chủ nhiệm UBKT Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao và Uỷ viên UBKT, Chủ tịch hội Vệ sinh an toàn lao động Lê Văn Trình đồng chủ trì Hội thảo.
Theo báo cáo tổng hợp khái quát mô hình công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam từ trước tới nay do TS. Ngô Thanh Quý – Phó Chủ nhiệm UBKT Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày: Đối tượng kiểm tra bao gồm tập thể, tổ chức và cá nhân thuộc hội thành viên; tổ chức KH&CN trực thuộc và đơn vị trực thuộc khác như cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam; cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam; cá nhân là ủy viên Hội đồng Trung ương. Về nội dung kiểm tra được xác định rõ ràng, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành Điều lệ và Quy chế hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam; việc thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc, các hội nghị Hội đồng Trung ương và Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương; kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của Liên hiệp Hội Việt Nam; Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Ban Kiểm tra của các hội thành viên; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Quy trình kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra đã ban hành Quy trình kiểm tra, khiếu nại, tố cáo…
Trên cơ sở các văn bản quy định về công tác kiểm tra cũng như thực tế hoạt động, các đại biểu dự hội thảo đã cùng thảo luận và đề xuất một số giải pháp gắn với bối cảnh nền kinh tế số, nền kinh tế tri thức và đặc biệt là các văn bản ban hành gần đây về Liên hiệp Hội Việt Nam, Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố (Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương) nhằm xây dựng một mô hình mới hoạt động hiệu quả và phù hợp với tình hình mới theo định hướng chủ trì hội thảo đưa ra, cụ thể như: phải xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam dựa vào 06 chỉ tiêu chủ yếu: Mục đích, yêu cầu của kiểm tra: Xây dựng kế hoạch; xác định nội dung, phương pháp tiến hành, phân công tổ chức, cá nhân thực hiện; Việc thực hiện thủ tục, quy trình, các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra: Kết quả phát hiện, xử lý qua kiểm tra: Kết quả phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm sau kiểm tra; Tác động và tác dụng của cuộc kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam; Tăng cường sự phối hợp giữa các Ban Kiểm tra Hội ngành với Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp Hội Việt đảm bảo thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ; Đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam ban hành quy chế hoạt động của Ban kiểm tra để thực hiện thống nhất trong hệ thống, thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác kiểm tra, giám sát cho các Liên hiệp hội các địa phương để nâng chuyên nghiệp, nghiệp vụ của các thành viên Ban Kiểm tra, hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát của Ban Kiểm tra tại các địa phương. Đặc biệt là quy trình giải quyết đối với các vấn đề nhạy cảm, phức tạp; quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để giải quyết kịp thời, đúng quy định, đúng thẩm quyền…Đồng thời, công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát thực tiễn, phát huy tối đa vai trò của công tác kiểm tra trong việc nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đội ngũ trí thức; thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, phát triển tổ chức, phát triển hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức.
Các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được UBKT Liên hiệp Hội Việt Nam cùng nhóm nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu xem xét để đưa ra những giải pháp cụ thể, góp phần cho công tác kiểm tra trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, góp phần tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo trong giai đoạn hiện nay.
Hoàng Ngân