Khảo sát cây chè cổ thụ ở Núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

     Ngày 03/3/2024, Chi hội Nông nghiệp Hữu cơ, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên phối hợp cùng Hội chè tỉnh Thái Nguyên và Hội chè huyện Đại Từ tổ chức đoàn khảo sát cây chè cổ thụ tại Núi Bóng, xã Minh Tiến. Tham dự đoàn có GS.TS. Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp Hữu cơ Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội chè tỉnh Thái Nguyên; bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội chè huyện Đại Từ và gần 100 thành viên là đại diện của nhiều doanh nghiệp, HTX, Liên minh HTX, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đại Từ, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.

     Từ chân Núi Bóng, leo dốc chinh phục Núi Bóng, đi mất 90 phút qua khoảng 3 km rừng đặc dụng với các cây gỗ nhỏ xen lẫn cây nứa, giang ở độ cao 600 m so với mặt biển là nơi có cây chè cổ thụ đầu tiên với chu vi gốc khoảng 80 cm, cao 20 – 25 m.

                       

Trao đổi với Kiểm lâm địa phương về cây chè Cổ Thụ Núi Bóng

     Tiếp tục di chuyển khoảng 90 phút lên núi qua các con dốc dựng đứng 40 – 50 độ với các rừng gỗ nhỡ và cây giang, tại độ cao 690 m so với mặt biển đã phát hiện các cây chè cổ thụ có chu vi gốc khoảng 90 – 100 cm, cao 25 – 30 m. Di chuyển lên phía trên đỉnh Núi Bóng và tiếp tục khảo sát các cây chè cổ thụ, tại độ cao 740 m (truyền thuyết là Giếng Nhà Mạc, nơi trữ nước sinh hoạt cho người Nhà Mạc khi bị Nhà Trịnh chiếm ngôi, phải phiêu bạt cát cứ ở nơi này), theo người dân địa phương, trước đây có nhiều cây chè cổ thụ, có cây chu vi hơn 2 người ôm không xuể, cao trên 30 m. Tuy nhiên đến nay, theo ông Nguyễn Văn Thụy, là cư dân xã Minh Tiến (thành viên trong đoàn) thì cây chè cổ thụ này đã không còn nữa, chỉ còn một số cây “lớp con cháu” có chu vi gốc khoảng 90 – 100 cm, cao 20 – 25 m và có 1 cây có chu vi trên 150 cm, cao trên 30 m.

                     

Vùng đất trũng, truyền thuyết Giếng Nhà Mạc và cây chè Cổ thụ

     Đến điểm cao 851, là đỉnh cao nhất của Núi Bóng, là nơi có mốc phân chia địa giới 3 huyện: Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Định Hóa, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), chỉ có cây gỗ nhỏ nằm xen khẽ trong rừng vầu thấp, không hề thấy xuất hiện các cây chè cổ ở khu vực này.

     Chuyến đi khảo sát đã thành công tốt đẹp, mặc dù diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng đã thể hiện tấm lòng của người “Xứ Trà” đối với truyền thuyết  cây chè cổ thụ, làm phong phú thêm tư liệu về vùng đất được vinh danh “Đệ nhất danh trà” và mở ra hướng nghiên cứu mới về nguồn gốc, xuất xứ, bảo tồn và phát triển của “Cây chè Cổ thụ Núi Bóng”.

  GS.TS. Đào Thanh Vân

Chủ tịch Chi hội Nông Nghiệp Hữu cơ Trường ĐHNL Thái Nguyên